Xe nâng là một tài sản có giá trị cao, thời gian thu hồi vốn lâu nên từ lâu xe nâng cũ vẫn là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp Việt.
Thế nhưng không phải ai cũng biết cách chọn xe nâng cũ chất lượng. Ngoài giá cả còn có rất nhiều yếu tố mà người mua xe nâng đã qua sử dụng phải tham khảo để tránh mua hớ, tiền mất mà lại không sử dụng được.
1. Xe nâng cũ là gì?
Xe nâng cũ ( hay còn gọi là xe nâng bãi) là xe nâng đã qua sử dụng được người khác thanh lí khi không còn có nhu cầu hoặc xe nâng cũ nhập khẩu từ các nước khác như châu âu, Nhật, Trung Quốc.
Nếu hiểu biết một chút, bạn có thể sẽ mua được 1 món hời thực sự. Bạn sẽ phải chỉ trả cho các xe nâng thương hiệu có chất lượng cao từ Nhật hay châu Âu mà giá chỉ bằng 1/3 hoặc thậm chí ít hơn nữa.
2. Các tiêu chí khi mua xe nâng cũ đã qua sử dụng
Làm gì cũng phải có mục đích, phải cân đo đong đếm hiệu quả mang lại, chi phí bỏ ra. Mua xe nâng cũ đã qua sử dụng cũng vậy, bạn phải tính toán nhiều điều, tự đặt ra câu hỏi và trả lời nó.
a. Loại tải nâng
Bạn cần phải xem xét hàng hóa, nguyên liệu mà mình dự định sẽ mua xe nâng cũ về để nâng. Hàng hóa đó là nguyên liệu hay thành phẩm, đã được đóng gói hay đóng thùng.
Các câu hỏi đó sẽ cho bạn biết bạn nên mua xe nâng càng kẹp hay càng nâng thì sẽ tối ưu nhất.
b. Trọng lượng tải
Xác định khối lượng hàng hóa mỗi lần nâng để tìm ra xe nâng cũ có tải trọng nâng phù hợp tránh việc nâng quá tải gây hư hỏng máy và mất an toàn lao động.
Xác định chiều dài càng nâng, kích thước pallet mà bạn đang sử dụng nếu bạn xếp hàng hóa bằng pallet hoặc chui container. Nhiều công ty hiện nay có cho tự chọn càng nâng riêng chứ không nhất thiết phải theo bộ nhất là đối với xe nâng đã qua sử dụng. Càng nâng là bộ phận tùy chỉnh có thể tháo rời được. Do đó bạn cũng cần cân nhắc kĩ.
Xác định chiều cao của kho hàng để từ đó xác định chiều cao nâng mong muốn. Một trong những tai nạn phổ biến khi nâng hàng đó là nâng quá cao chạm phải trần gây đổ vỡ, mất an toàn lao động.
Xác định chiều rộng lối đi. Bạn sẽ không thể nhét chiếc xe nâng to như con voi vào lối đi chật hẹp của kho bạn được. Bạn phải có đủ không gian để cho xe nâng chạy và đảm bảo có chừa khoảng cách an toàn với hàng hóa 2 bên. Đồng thời bạn phải có các lối rẽ đủ rộng cho xe nâng xoay chuyển hướng. Bạn cần phải tính toán kĩ nếu không sẽ rất bất tiện khi sử dụng.
c. Năm sản xuất
Nhiều người mua xe nâng cũ thường hay không để ý đến đời của xe. Xác định năm sản xuất có thể tính được tuổi thọ và thời gian mà xe nâng đã sử dụng. Nếu xe nâng cũ đã qua sử dụng mà vẫn còn giấy tờ thì quá tuyệt vời.
Xe nâng cũ càng gần ngày sản xuất thì giá càng đắt, điều này có tác động không nhỏ tới ngân sách của bạn.
Tuy vậy, bạn cũng cần phải kiểm tra 1 vài yếu tố nữa ví dụ như xe gần như mới mà xe lại có tiền sử bị cháy nổ động cơ chẳng hạn. Bạn sẽ rất khó để phát hiện được điều đó nếu như không có một con mắt tinh ý. Xe nâng cũ có tiền sử bị hỏng hóc nặng sẽ tốn rất nhiều chi phí sửa chữa sau này.
Thậm chí chi phí đó có thể vượt cả số tiền mà bạn mua xe nâng mới. Bạn nên mua xe nâng cũ ở những nơi uy tín có chế độ bảo hành để an tâm khi sử dụng.
d. Loại xe nâng
Xe nâng có rất nhiều loại như xe nâng điện, xe nâng dầu, xe nâng xăng, xe nâng gas… Mỗi loại xe nâng lại có 1 ưu điểm riêng. Một số ưu điểm có thể kể đến đó là:
Xe nâng điện: Chi phí ban đầu cao, chi phí nhiên liệu thấp, an toàn môi trường, sử dụng tốt trong không gian kín.
Xe nâng dầu, xăng: Chi phí ban đầu thấp, chi phí nhiên liệu cao, máy khỏe, xả nhiều khói, sử dụng tốt ngoài trời.
Xe nâng gas: Chi phí ban đầu thấp, chi phí nhiên liệu cao, thân thiện môi trường, sử dụng được cả trong và ngoài trời.
Xem thêm: So sánh xe nâng điện và xe nâng dầu
e. Giá xe nâng cũ
Cuối cùng mới đến giá cả sau khi đã xác định được tất cả các câu hỏi trên. Bạn cần xác định ngân sách bỏ ra, thời gian hoàn vốn, chi phí bạn tiết kiệm được khi mua xe nâng cũ.
Ngân sách này phải chỉ là 1 phần trong tổng số tiền bạn đang có để kinh doanh. Bạn không thể nào bỏ hết tiền vào một rỏ được.
3. Các bước kiểm tra xe nâng đã qua sử dụng
a. Kiểm tra bên ngoài
Một số checklist bạn có thể tham khảo khi mua xe nâng đã qua sử dụng:
_ Kiểm tra tổng thể kết cấu bên ngoài:
Xe nâng cũ hay được sơn lại, vỏ xe có bị bóp méo không, khung xe có bị han gỉ không?
_ Kiểm tra bánh xe có bị mòn không, có cần phải thay thế hay không?
Bánh xe nâng là vật dễ bị mòn và cần được thay thế thường xuyên nhất của xe nâng. Bánh xe nâng không đảm bảo có thể gây mất an toàn lao động vì vậy bạn phải kiểm tra kĩ.
_Càng nâng có bị han gỉ, có vết nứt hay không?
Bạn nên để ý nếu có vết hàn thì tuyệt đối không nên chọn.
_ Kiểm tra xích nâng xem có mắt xích nào bị hỏng hay không?
_ Kiểm tra đèn, còi, kính chiếu hậu, hệ thống đề của xe nâng cũ xem còn hoạt động tốt không?
b. Kiểm tra bên trong
Máy móc là thứ đắt nhất của xe nâng cũ và cũng là thứ dễ hỏng nhất. XeNâng.Vn có 1 vài kinh nghiệm mua xe nâng cũ mà cụ thể là động cơ xe nâng ở đây để bạn tham khảo.
Van điều khiển
Van điều khiển là một bộ phận quan trọng trong hệ thống điều khiển của xe nâng. Van điều khiển có công dụng điều tiết dầu được bơm tới các xylanh từ đó thực hiện các thao tác nâng lên hạ xuống như ý muốn.
Trong trường hợp bạn thấy van này bị ẩm hoặc sũng dầu thì không nên chọn.
Tiếng nổ động cơ
Nổ máy xe nâng cũ lên và kiểm tra. Bạn nghe tiếng động cơ khi chưa tải có đều không, có xả nhiều khói không. Sau đó bạn thêm tải lên và kiểm tra tiếp. Nếu có bất thường thì bạn cũng không nên chọn.
Ngoài ra bạn cũng nên quan tâm tiếng dầu bị nén trong van điều khiển. Nếu thực hiện nhiều thao tác mà nghe tiếng dầu réo to hơn thì có nghĩa là con dầu bị trượt, cũng không nên mua.
Đối với xe nâng điện, bạn nên kiểm tra bình điện. Nếu không có chuyên môn thì bạn cũng có thể quan sát bằng mắt thường các yếu tố như: chân bình có khô không, dung dịch trong bình có bị đục hay không?
Còn nếu không rành về bất cứ cái gì thì tốt nhất bạn nên nhờ người có chuyên môn kiểm tra giúp bạn.
Tải nâng
Bạn cần phải kiểm tra cả tải tĩnh và tải động của xe nâng cũ theo các bước sau:
Trước tiên cho tải vào xe nâng, nâng tải lên nếu thấy hiện tượng giật thì nên bỏ hoặc nếu bạn chấp nhận được thì hãy trả giá xuống. Sau đó hạ tải xuống đột ngột, xem cơ cấu ga tự động còn tốt không. Nếu không thì đừng nên mua.
Tiếp theo tìm tải có trọng lượng bằng phân nửa sức nâng của xe nâng cũ, nâng lên lơ lửng vài chục cm rồi tắt máy khoảng 5 phút.
Sau đó đo lại khoảng cách bị tụt xuống là bao nhiêu. Nếu quá 10cm thì không nên mua.
Hệ thống thủy lực
Bạn kiểm tra tất cả những vị trí sau khi thử tải nâng ở trên xem có bị gỉ dầu hay không. Nếu không thì rất tốt còn không thì bạn cũng không nên lấy làm gì.
Ngoài ra bạn chú ý cái chén cao su tổng hợp (làm kín piston ống ben) và mấy cái Joint làm kín. Trong môi trường làm việc khắc nhiệt và bụi bặm, các chi tiết này rất dễ mòn dẫn đến chảy dầu và giảm sức nâng hàng.
Cuối cùng bạn không nên tin vào những lời mời chào mua xe nâng cũ giá rẻ mà quên đi mục đích của mình. Và bạn cũng không nên nghe lời tư vấn rằng những điểm mà XeNâng.Vn kể trên không ảnh hưởng tới công việc.
Tốt nhất bạn nên đi cùng người có chuyên môn và bạn nên mua ở những nơi uy tín để tránh tiền mất mà chẳng mang lại gì ngoài rắc rối.